Gỗ mun đuôi công là gỗ gì – tìm hiểu đặc điểm, ưu nhược điểm của gỗ mun đuôi công

 Mun đuôi công là dòng gỗ nhập khẩu có xuất xứ từ châu Phi. Vân gỗ có đặc điểm toả đều từ tâm gỗ ra bề mặt gỗ, như hoạ tiết đuôi con công nên thường được gọi là mun đuôi công. Với vân gỗ độc đáo cùng độ bền tương đối tốt, mun đuôi công thường được ứng dụng trong sản xuất vật dụng nội thất, trang trí, sàn gỗ,…

Mun đuôi công là gỗ gì


Mun đuôi công thực chất là cây muồng đen châu Phi có tên khoa học là Millettia laurentii, đây là một loại cây họ Đậu nhiệt đới có chiều cao lên tới 30 m và đường kính thân từ 1 – 1,2m. Gỗ mun đuôi công có tên thương mại quốc tế là gỗ Wenge, tên gọi khác là gỗ mun giả, gỗ muồng đen châu Phi.

Mun đuôi công có là loại gỗ chất lượng gỗ cao, màu rất sẫm và có hoa văn như đuôi con công, khi nhập về Việt Nam được gọi là mun đuôi công. Hầu hết, các chuyên gia về gỗ ở nước ta hiện nay đều bị nhầm lẫn nguồn gốc của mun đuôi công với mun Gabon (Diospyros crassiflora), một loài mun rất quý hiếm cũng có xuất xừ từ Trung Phi.

Mun đuôi công (Millettia laurentii) cũng là loại gỗ rất quý hiếm. Loài gỗ này không có tên trong Phụ lục của CITES nhưng nằm trong sách Đỏ của IUCN. Mun đuôi công cũng được liệt vào danh sách có nguy cơ tuyệt chủng do quần thể giảm hơn 50% trong ba thế hệ qua, do sự suy giảm phạm vi tự nhiên và các hoạt động khai thác gỗ.

Đặc điểm nhận biết gỗ mun đuôi công



Tâm gỗ khi mới xẻ có màu vàng nhưng khi phơi, sấy khô sẽ có màu nâu sẫm hoặc nâu đen, có vân sọc đen, dác gỗ màu vàng nhạt, mỏng từ 2-5 cm được phân định rõ ràng với tâm gỗ.

Không giống như hầu hết các loại gỗ cứng sẫm màu khác, tâm gỗ của mun đuôi công có thể sáng lên (chứ không phải sẫm màu) khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Do được sinh trưởng ở khu vực đất màu mỡ nên các phôi gỗ mun đuôi công có kích thước rất lớn. Thớ gỗ thẳng, tom gỗ khá lớn, kết cấu gỗ trung bình đến thô.

Gỗ mun đuôi công nặng, cứng, đàn hồi và rất bền, có khả năng chống lại sự tấn công của nấm, sâu đục thân, mối mọt và có khả năng chống chịu trung bình với sâu đục thân biển, nhưng dác gỗ dễ bị sâu bột sau tấn công. 

Mun đuôi công cũng rất dễ bị nứt, rất khó gia công nên đòi hỏi kỹ thuật xử lý gỗ sau khi thành phẩm khá cao. Chất gỗ cũng rất nhiều nhựa nên khi gia công thường phải thêm công đoạn tẩy axit trước khi sơn để gỗ có thể nổi vân và sáng bóng hơn.

Mun đuôi công có mùi gỗ thơm nhẹ thoang thoảng, hơi đắng khi thi công.

Bụi gỗ sinh ra khi cắt hoặc chà nhám gỗ mun đuôi công có thể gây viêm da tương tự như tác dụng của cây thường xuân độc và gây kích ứng mắt. Bụi gỗ mun đuôi công cũng có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và gây buồn ngủ.

Gỗ mun đuôi công thuộc nhóm mấy

Gỗ mun đuôi công là dòng gỗ nhập khẩu từ nước ngoài nên không có tên trong bảng phân loại tiêu chuẩn gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, xét theo các tính chất cơ học của gỗ, gỗ mun đuôi công có tính chất tương đương các loại gỗ nhóm II theo tiêu chuẩn của nước ta.

Gỗ mun đuôi công có tốt không

Gỗ mun đuôi công là loại gỗ tương đối tốt, thường được sử dụng làm đồ gỗ nội thất và ngoại thất, đồ gỗ mỹ nghệ, điêu khắc, ván gỗ, sàn nhà, hoặc veneer.

Ưu điểm:

  • Mun đuôi công có thớ gỗ tương đối to, độ co ngót thấp, ổn định nên rất phù hợp trong sản xuất các vật dụng gỗ cỡ lớn như nội thất (bàn, ghế, tủ gỗ,…)
  • Mun đuôi công cũng hầu như không bị mối mọt, nên các sản phẩm nội thất từ mun đuôi công cũng có giá trị sử dụng lâu dài.
  • Vân gỗ có hoạ tiết đẹp mắt, rất khó giả vân nên có giá trị thẩm mỹ cao

Nhược điểm:
  • Dễ nứt nên mun đuôi công cần mất nhiều thời gian gia công khiến giá thành bị độn lên cao
  • Rất khó để đánh bóng, phải sử dụng sáp hoàn thiện
  • Dán và đánh vecni kém do gỗ có nhiều nhựa, nhưng sử dụng chất độn phụ gia sẽ cải thiện kết quả
Gỗ Đông Á

Godonga.vn - gia công thớt gỗ, khay gỗ trang trí phục vụ cho nhà hàng, khách sạn

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn