Gỗ mun sừng là gỗ gì
Theo quy định về các loại gỗ Việt Nam, gỗ mun sừng là gỗ của loài mun (pháp danh khoa học: Diospyros mun) – đây là loài thực vật quý hiếm đặc hữu của Việt Nam, cũng có thể có tại Lào.
Gỗ mun sừng được đánh giá là loại gỗ tốt nhất của họ gỗ Mun tại Việt Nam, rất được ưa chuộng trong sản xuất nội thất, mỹ nghệ cao cấp. Theo phân loại tiêu chuẩn gỗ Việt Nam TCVN 12619-2:2019, gỗ mun sừng cũng được xếp vào nhóm gỗ I – nhóm gỗ quý, hiếm, có giá trị đặc biệt.
Gỗ mun sừng là loại gỗ quý hiếm, ưa chuộng trong sản xuất mỹ nghệ cao cấp
Cây gỗ mun (Diospyros mun) là loài cây gỗ lớn thuộc họ Thị (Ebenaceae), có họ hàng gần gũi với các loài mun sọc ở Việt Nam. Cây gỗ mun thường mọc rải rác hay thành từng đám trong trảng cây bụi cao rậm hoặc trên các vùng núi đá vôi có độ cao dưới 700m.
Cây gỗ mun là loài sinh trưởng chậm, khả năng tái sinh tương đối tốt, nhưng do giá trị cao nên cây gỗ mun ở nước ta đã bị khai thác đến mức tận diệt. Theo ghi nhận của chúng tôi, cây mun ngoài tự nhiên ở nước ta gần như không còn. Trên thế giới, chỉ còn lại ba cây mun được trồng và làm cảnh tại Quảng Châu, Trung Quốc.
Vân gỗ mun sừng Việt Nam
Vì vậy, không chỉ có giá trị về kinh tế, cây mun sừng cũng có giá trị rất cao trong việc đa dạng sinh học. Cây gỗ mun sừng được liệt kê là loài rất nguy cấp và cũng đã nhà nước đưa vào trong sách đỏ Việt Nam, nghiêm cấm buôn bán và khai thác.
Những đặc điểm của gỗ mun sừng
Màu sắc không phải màu đen
Đa phần người mới chơi gỗ mun đều hiểu nhầm gỗ mun là phải có màu đen, và mun sừng cũng không ngoại lệ. Nhưng thực tế, khi mới khai thác gỗ mun sừng sẽ có màu xanh rêu, xanh kaki hay như nhiều người mô tả là màu xanh phân ngựa chứ không phải có màu đen.
Tượng gỗ mun sừng có màu đen bóng là do quá trình oxy hoá gỗ
Màu đen bóng của gỗ mun sừng mà chúng ta thường thấy là do quá trình oxy hoá ở bề mặt gỗ. Sau một thời gian khai thác, bề mặt gỗ mun sừng mới dần chuyển sang màu đen bóng như màu sừng động vật.
Khi dùng giấy nhám đánh bề mặt hoặc tạt vào trong phần lõi gỗ, mun sừng vẫn giữ được màu xanh rêu khá đặc trưng.
Gỗ mun sừng để lâu ngày khi tạt lõi gỗ vẫn có màu xanh rêu đặc trưng
Kết cấu gỗ siêu mịn
Một điểm làm nên giá trị của gỗ mun sừng đó là độ bóng mịn tự nhiên của gỗ. Mun sừng là một trong những loại gỗ có mật độ gỗ rất cao, không có tom gỗ, sờ tay lên thớ gỗ mới xẻ vẫn có thể cảm giác thớ gỗ rất láng mịn dù chưa được đánh bóng. Mùn cưa mun sừng sau khi bào cũng có độ mịn và dai khá cao.
Kết cấu gỗ mịn, nên gỗ mun sừng rất nặng và đanh chắc. Ở độ ẩm 12%, gỗ mun sừng có khối lượng khô trung bình xấp xỉ 1,4 tấn/m³ , gỗ chìm trong nước.
Có vân gỗ đẹp
Mặc dù thuộc nhóm gỗ mun trơn, nhưng gỗ mun sừng vẫn là loại gỗ có vân. Vân gỗ mun sừng có thể quan sát rõ nhất khi gỗ mới được xẻ xuống. Sau vài tháng, dù bề mặt gỗ bị oxy hoá sang màu đen bóng nhưng nếu quan sát thật kỹ vẫn có thể thấy được các đường vân gỗ chìm bên dưới. Đây cũng là một đặc điểm rất có giá trị của gỗ mun sừng.
Vân gỗ mun sừng khi mới xẻ có thể nhìn thấy khá rõ
Gỗ cứng, giòn, dễ bị nứt dăm
Gỗ mun sừng thuộc loại gỗ quý hiếm, có độ cứng rất cao. Theo thang đo Janka, độ cứng của gỗ mun sừng khoảng 3000 lbf, gần tương đương với độ cứng của thép. Gỗ mun sừng cũng cứng hơn nhiều so với các loại gỗ thông dụng khác như gỗ lim, gỗ sồi, gỗ gõ đỏ,…
Tuy nhiên, do quá cứng nên gỗ mun sừng khá giòn, tương tự như than đá. Do đặc tính này mà gỗ mun sừng còn được gọi là gỗ mun đá. Các sản phẩm nội thất, mỹ nghệ từ gỗ mun sừng sẽ không thể tránh khỏi các vết nứt dăm trên bề mặt.
Dác lộn mề
Gỗ mun sừng là loại gỗ có thớ thẳng, tuy nhiên phần dác gỗ và lõi gỗ thường đan xen lẫn nhau, gọi là “dác lộn mề”. Điều này là do gỗ chưa đủ tuổi khai thác, hoặc phần giác gỗ chưa đủ già sẽ lẫn vào trong lõi xanh đen của gỗ. Vì vậy, để có được một phôi gỗ mun sừng lớn có màu xanh đen, đều, đẹp là cực kì quý hiếm.
Dị ứng, kích ứng da
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào về độc tính, khả năng gây dị ứng của gỗ mun sừng, nhưng nó được các thợ gỗ kinh nghiệm lâu năm của chúng tôi ghi nhận là loại gỗ có khả năng gây kích ứng da và mắt.
Các thợ gỗ thường gặp phải các tình trạng ngứa ngáy do mùn cưa dính lên da, cay mắt khi làm việc với mun sừng trong điều kiện kín gió. Ngoài ra, nhiều thợ gỗ cũng chia sẻ gặp phải tình trạng “tay xanh” – da tay chuyển sang màu xanh khi làm việc với loại gỗ này.
Gỗ mun sừng đắt không, giá bao nhiêu?
Là loại gỗ quý hiếm có chất gỗ rất tốt, mun sừng được xếp vào hàng những loại gỗ đắt nhất Việt Nam. Hiện nay, các phôi gỗ đủ kích thước để sản xuất nội thất hầu như không còn, nên với các loại phôi lớn này gần như là vô giá. Các loại phôi gỗ nhỏ, lũa gỗ còn sót lại với kích thước phù hợp cho sản xuất mỹ nghệ thường có giá dao động từ 150-200 nghìn đồng/kg.
Lưu ý, giá gỗ mun sừng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: kích thước, chất lượng gỗ, tuổi đời cây gỗ,…Mức giá này chỉ mang tính chất tham khảo, có thể thay đổi tùy theo thời điểm và thị trường.
Phân biệt gỗ mun sừng và gỗ mun đen (gỗ nhọ nồi)
Là loại gỗ có màu đen khá giống với gỗ mun sừng nhưng gỗ mun đen (hay gỗ nhọ nồi) có chất lượng và giá trị gỗ thấp hơn nhiều so với mun sừng. Gỗ mun đen thường hay được các gian thương buôn gỗ trà trộn vào để có thể dễ bán và nâng giá bán lên.
Phân biệt gỗ mun sừng và mun đen
Để phân biệt gỗ mun sừng và gỗ mun đen có thể dựa vào các đặc điểm sau:
Đặc điểm | Gỗ mun sừng | Gỗ mun đen |
Lõi gỗ | màu xanh như màu phân ngựa. Bề mặt gỗ bị oxy hoá chuyển sang màu đen bóng, lõi gỗ vẫn giữ được màu xanh. | màu đen nhám như than hoặc nâu đen |
Dát gỗ | màu vàng nhạt hoặc vàng hồng | màu trắng ngả vàng, hoặc vàng |
Tom gỗ | tom gỗ rất nhỏ, bề mặt rất mịn, khó thấy tom gỗ | có thể nhìn thấy tom gỗ, bề mặt thô, không đanh |
Mùn cưa gỗ | dai, mịn, cảm giác cay mắt khi tiếp xúc với mùn cưa | mủn, tơi xốp |
Mùi gỗ | không mùi | có mùi hơi thơm |
- Tìm hiểu thêm về gỗ mun đen: Gỗ mun đen (gỗ nhọ nồi): Có phải gỗ tạp giả danh mun sừng?
Nguồn bài viết: https://godonga.vn/go-mun-sung/